Trong không gian chật chội và bức bí của đô thị, việc mang ánh sáng và không khí thiên nhiên vào nhà đang trở thành nhu cầu chung của nhiều hộ gia đình. Vì vậy những thiết kế nhà có kèm theo giếng trời đang trở nên phổ biên và được nhiều người ưa chuộng.
Bên cạnh đó việc bài trí giếng trời một cách hợp lý còn có thể đem lại sinh khí và tài lộc cho gia chủ.Việc mở giếng trời mục đích thu vào nhiều ánh sáng hay lưu thông không khí. Ánh sáng tượng trưng cho dương khí. Sự lưu thông không khí chính là quá trình lưu thông các nguồn năng lượng trong ngôi nhà.

Khi bố trí giếng trời cần chú ý mấy điểm sau:
Về vị trí
Giếng trời có thể đặt được ở rất nhiều vị trí trong nhà bạn như trung tâm giữa ngôi nhà, cạnh cầu thang, phòng ăn, nhà bếp… Phổ biến nhất là giếng trời nằm trên khu vực cầu thang. Đây là nơi thích hợp nhất bởi cầu thang thường đặt ở giữa nhà và kề với bếp. Quanh khu vực cầu thang thường thiết kế các phòng chức năng như ngủ, sinh hoạt chung, học, làm việc.

Về thiết kế
Khi mở giếng trời cần xem xét thực tế nhà nằm về phương hướng, nắng gió thế nào để bố trí mái che giếng trời có cấu tạo phù hợp để điều tiết ánh sáng, chống mưa tạt nắng gắt vào trong nhà. Với giếng trời để trống hoàn toàn như một sân trời thì việc thu nước mưa và tạo sân vườn, non bộ, xử lý tường bên hông, nền nhà… cần làm kỹ để tránh thấm dột và đạt hiệu quả sử dụng cao.

Một số lưu ý thêm
– Giếng trời phải tuân theo luật âm dương và ngũ hành để tương sinh với hình thể ngôi nhà.
– Nhà mặt bằng méo mó thì giếng trời nên đặt vào các góc méo và theo dạng hành Hỏa (góc nhọn) nhằm tạo hình vuông vức cho nội thất (Hỏa sinh Thổ).
– Nếu giếng trời đặt ở phòng ăn thuộc mộc thì có thể dùng cây cảnh, suối nước để có mộc và thủy tương sinh;
– Nếu mở giếng trời tương sinh thông thoáng cho phần bếp thì nên bố trí dạng ống, thẳng đúng mộc sinh hỏa trên đỉnh phải có mái che.
– Giếng trời có thể kết hợp với ô trống giữa hay bên cạnh cầu thang khi cần tiết kiệm diện tích.
Minh Nhật
Tổng hợp